Lịch Sử Dòng Truyện Kiếm Hiệp Tại Việt Nam

(Nguồn xuất bản: SGame
Tác giả: Trung.Nguyen)

Một chút lan man về chủ đề ngoài game, cảm ơn anh Trung.Nguyen vì bài viết này và xin phép được đăng lại trên blog.

Truyện kiếm hiệp được lưu truyền vào Việt Nam từ trước những năm 1960, khởi điểm bằng các bản dịch truyện Kim Dung trên một số tờ nhật báo. Dịch giả đưa Kim Dung lên cơn sốt tại Việt Nam được ghi nhận là Tiền Phong Từ Khánh Phụng với bản Cô gái Đồ Long (dịch Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Thực ra trước đó, đã có một số bản dịch như Bích huyết kiếm của Từ Khánh Phụng (báo Đồng Nai), Anh hùng xạ điêu của Đồ Mập (báo Dân Việt), Thần điêu đại hiệp (Thần điêu hiệp lữ) của Vũ Tài Lục và Hải Âu Tử (báo Mới). Tuy nhiên, truyện kiếm hiệp vẫn được xem là thứ giải trí rẻ tiền. Bản dịch Cô gái Đồ Long mới tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Một số nhà văn nhà báo lấy bút danh theo tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Hư Trúc, Kiều Phong… Nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia bình luận Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, công phu nhất là Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.


Sau 1975, các tác phẩm của Kim Dung bị nhà nước Việt Nam liệt vào danh sách cấm cùng với các tác gia kiếm hiệp khác như Cổ Long, Trần Thanh Vân… với lý do “văn hóa đồi trụy phản động”. Tuy nhiên, các bản sách cũ vẫn được lén lút lưu giữ và được nhiều người truyền tay đọc. Đầu thập niên 1990, với chủ trương Đổi mới, chính quyền Việt Nam giảm bớt sự cấm đoán gắt gao với văn hóa văn nghệ. Một số phim và sách võ hiệp cũ được phát hành lại. Để dễ xin phép xuất bản, thoạt tiên sách không ghi đúng tên tác giả mà lấy các bút danh khác như Nhất Giang, về sau mới ghi đúng tên Kim Dung, Cổ Long. Nhà xuất bản Quảng Ngãi đã tích cực phát hành lại sách võ hiệp cũ. Thêm vào đó, sự phát triển của Internet giúp các bản dịch cũ lưu truyền rộng rãi, ban đầu dưới dạng scan từng trang sách, sau đó là dạng văn bản do những người hâm mộ gõ lại. Sau 1975, nhà văn Vũ Đức Sao Biển là người đầu tiên viết khảo luận về Kim Dung, các bài của ông đăng trên tập san Kiến thức ngày nay, sau in thành bộ Kim Dung giữa đời tôi (4 quyển).

Đa phần, sách kiếm hiệp trong thời gian này thường được in làm một bộ từ 4 đến 12 tập. Việc truyện kiếm hiệp được phép xuất bản cũng dần làm dấy lên phong trào mở cửa các tiệm cho thuê sách cũ, và được đông đảo các tầng lớp từ học sinh đến người lao động đón nhận. Sau Kim Dung, người dân Việt Nam dần biết được những tác giả kiếm hiệp khác như Cổ Long, Trần Thanh Vân…

Đặc biệt, cùng thời điểm này, xuất hiện một tác giả Việt Nam mà tên tuổi không hề thua kém các tác giả truyện kiếm hiệp Trung Quốc: Ưu Đàm Hoa

Ông trở thành một tác giả truyện võ hiệp có tính “truyền kỳ” trong giới đọc sách/truyện kiếm hiệp Việt Nam. Cho đến nay, có tất cả 19 bộ truyện kiếm hiệp mang bút danh ‘Ưu Đàm Hoa’. Tất cả 19 tác phẩm đó đều chứa đựng bối cảnh ở Trung Quốc thời phong kiến, nhân vật nam chính sống tốt, gặp nhiều may mắn (kỳ duyên), kết thúc có hậu, kết hôn với nhiều phụ nữ xinh đẹp, giỏi võ công. Điểm đặc biệt, nội dung từ các tác phẩm toát lên được kiến văn của tác giả về văn hóa Trung Quốc rất rộng, có vài kiến giải phổ thông độc đáo, và mô-típ truyện gần như là giống nhau. Một số tác phẩm tiêu biểu: Tiếu ngạo Trung Hoa, Tình Ma, Hắc Bạch Hương Hồ Ký, Bạch Hổ Tinh Quân,…

Ngoài cách thức tiếp cận bằng truyện chữ, các phim ảnh kiếm hiệp cũng bắt đầu đến với người mê kiếm hiệp Việt. Với sự thành công vang dội của bộ phim nhiều tập Thần Điêu Đại Hiệp 1986, hình tượng hiệp khách võ lâm dần trở thành thần tượng của nhiều người.

Nhà văn Kim Dung

Vào đầu những năm 2000, việc giới trẻ bắt đầu chuyển sang hâm mộ truyện tranh, truyện kiếm hiệp Việt bắt đầu có những cách tiếp cận đến người dân bằng nhiều cách mới. Khởi đầu bằng một số bộ truyện tranh về Phong Vân và Đại Đường Song Long Truyện. Đồng thời các bộ truyện kiếm hiệp tiêu biểu đã được tái bản lại bản đẹp và được in thành tập dày bán tại các hiệu sách lớn trên cả nước.

Khi làn sóng sử dụng Internet tràn vào Việt Nam, bắt đầu xuất hiện một số website chuyên về truyện kiếm hiệp, tiêu biểu có thể kể đến website Nhạn Môn Quan. Có thể kể ra tam đại website kiếm hiệp vào khoảng thời gian những năm 2002-2005 là vietkiem.com, maihoatrang.com và nhanmonquan.com

Sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, những website kiếm hiệp cũ dần dần bị lấn át bởi thế hệ những diễn đàn kiếm hiệp mới, nơi việc dịch và đăng tải truyện tự do và đều đặn hơn. Có thể kể ra những cái tên như vandan.com, 4vn.eu và tangthuvien.com

Một bước ngoạt lớn của truyện kiếm hiệp khi vào năm 2003, bộ truyện Tru Tiên của sáng tác gia Tiêu Đỉnh phát hành tại Trung Quốc. Tru Tiên kể về một thời đại thần tiên không xác định ở Trung Quốc, với 3 đại phái là Thanh Vân Môn, Thiên Âm Tự và Phần Hương Cốc, đối lập với Ma Giáo. Thanh Vân Môn là lực lượng đứng đầu chính đạo trong thiên hạ. Trong truyện, thay vì việc miêu tả công lực, võ đạo như dòng truyện kiếm hiệp cũ, Tiêu Đỉnh đã đưa hệ thống tu chân, thần tiên kỳ ảo vào tác phẩm, tạo ra một dòng truyện mới với tên gọi truyện Tiên Hiệp

Vốn đã quá tù túng với lối viết truyện kiếm hiệp cổ điển, việc xuất hiên lối viết truyện tiên hiệp mới tự do phát huy trí tưởng tượng hơn đã là lối thoát cho rất nhiều tác giả trung quốc. Hàng trăm bộ truyện về đề tài tiên hiệp được sáng tác và được cộng đồng mạng Việt Nam nhiệt tình đón nhận. Các website truyện Trung Quốc thậm chí đã thuê các tác giả nghiệp dư hoặc bán chuyên nghiệp viết theo kiểu đếm chữ trả tiền, và đăng tải truyện từng chương ngay sau khi sáng tác mà không cần phải hoàn thành trước.

Đi đôi với phong trào đọc truyện qua mạng, đã có rất nhiều tình nguyện viên tham gia dịch truyện từ các website trung quốc về. Tuy nhiên, do hạn chế về ngôn ngữ cũng như trình độ, tiến độ dịch truyện thường rất chậm. Sự ra đời của phần mềm dịch tự động Vietphrase đã trở thành cứu tinh cho rất nhiều người. Nhờ có phần mềm này, kể cả những người không biết tiếng Trung cũng có thể dịch và đọc được truyện trực tiếp, thậm chí là chỉ không đến một giờ sau khi một chương truyện mới được tác giả Trung Quốc viết và đăng trực tiếp.

Đồng thời với phong trào đọc truyện kiếm hiệp Trung Quốc phong trào tự viết truyện kiếm hiệp Việt cũng một thời được khởi xướng, tuy nhiên vẫn còn manh mún và không có tác phẩm nào đáng kể. Thậm chí đã có những cuộc phát động kiếm hiệp hóa sử Việt, tuy không thành công nhưng cũng chứng tỏ tính lan truyền của dòng truyện kiếm hiệp trong xã hội Việt Nam.
Lịch Sử Dòng Truyện Kiếm Hiệp Tại Việt Nam Lịch Sử Dòng Truyện Kiếm Hiệp Tại Việt Nam Reviewed by Tùng Jun on 8:49 AM Rating: 5

1 comment:

  1. Bài viết thật sự ý nghĩa với mình, Cảm ơn admin
    --------------------------------
    Lê Nhung
    Mạng chia sẻ game Kiếm Hiệp hàng đầu cho smartPhone
    Click để xem chi tiết: Game Kiếm Hiệp Trung Quốc HAY và HOT tại TPHCM hoặc Game Kiem Hiep Trung Quoc HAY va HOT tai TPHCM

    ReplyDelete

Powered by Blogger.