[Kỹ xảo vận hành] Dịch Thuật + Hiệu Đính Game

Rất nhiều công ty đang bỏ ra lượng tiền và thời gian khá nhiều cho việc dịch thuật và hiệu đính game trong khi thông qua một số kỹ xảo nhỏ có thể giảm một nửa công sức.

Phải làm điều này như thế nào?



Lúc trước có bài về Ứng dụng nguyên lý 80/20 trong vận hành game tôi có nhắc đến 80% nội dung các file dịch nằm trong 20% file. Điều này mang lại gợi ý cho các bạn rằng, chúng ta thay vì đếm chữ chia file hãy bỏ ra vài tiếng để phân loại các nhóm file và chỉ tập trung vào các file quan trọng.

Một webgame nhập vai thông thường có khoảng 30 vạn từ cần dịch, tuy nhiên nhiều trong số đó có sự lặp lại giữa các file, và số lượng file dịch thực tế chỉ khoảng 15 đến 20 vạn từ. Tôi đã từng gặp những file từ 1 đến 2 vạn từ, nhưng nội dung bên trong chỉ là một chữ lặp đi lặp lại. Với giá trung bình 60 đồng cho 1 từ, hà hà...mất 1 phút đã bỏ túi 6 lít.

Quay trở lại vấn đề, khi nhận gói ngôn ngữ từ đối tác, chúng ta cần kiểm tra và phân loại các file này như thế nào.

Bước 1: Phân loại theo dung lượng

70% số file bạn nhận được có thể chỉ là file chứa code, hoặc số lượng nội dung dịch không quá nhiều. Nếu nội dung có trùng lặp với các file lớn thì không đáng kể. Chúng ta để những file này vào 1 thư mục riêng.

Trong thư mục này, chúng ta tiếp tục phân loại thành 2 nhóm: Nhóm cần dịch và nhóm không cần dịch.

Các file này có thể làm sau, không cần  quá quan tâm.

Bước 2: Phân loại nhóm quan trọng

30% số file còn lại chính là 90% nội dung  sẽ xuất hiện trong game. Trong đó bao gồm các file đạo cụ, trang bị, nhiệm vụ, shop, kỹ năng, npc, hero, pet...

Ở bước này chúng ta tiếp tục phân chia 30% các nhóm file này những nhóm nhỏ hơn có liên quan với nhau. Ví dụ ở đây tôi sẽ phân chia thành các nhóm:

- Nhóm thông báo + UI(Gồm các text hiển thị trong các giao diện, thông báo ingame, thông báo hệ thống, nhắc nhở...)
- Nhóm đạo cụ + Trang bị (Đạo cụ, trang bị, shop, tiệm, đổi...)
- Nhóm kỹ năng (Kỹ năng nhân vật, kỹ năng bang hội, kỹ năng pet, kỹ năng tọa kỵ...)
- Nhóm chức năng (Tên chức năng, giới thiệu...)
- Nhóm tên (Tên nhân vật ngẫu nhiên, tên NPC, bản đồ, phụ bản, pet...)
- Nhóm mô tả (Nhiệm vụ, đối thoại, hướng dẫn)

Bước 3: Dịch thuật + hiệu đính

Thông thường tôi sẽ dịch thuật và hiệu đính song song luôn. Với mỗi nhóm file cần kỹ năng hiệu đính khác nhau. Trong số các nhóm này, tôi sắp xếp thứ tự mức độ quan trọng giảm dần: Nhóm thông báo + UI > Nhóm đạo cụ > Nhóm kỹ năng > Nhóm chức năng > Nhóm tên > Nhóm mô tả.

1. Thống nhất quy tắc

Trong trường hợp nhóm dịch thuật và hiệu đính tách biệt, nhóm dịch thuật không nên tự ý sửa chữa dịch khác so với bản đồ. Các danh từ riêng, tên người, tên kỹ năng, thuộc tính các bạn nên giữ nguyên hán việt. Lỗi cơ bản khi nhiều người cùng dịch một game đó là không thống nhất quy tắc dịch. Ví dụ nhiệm vụ yêu cầu: "Thu thập sáo trang* 50". Có người lo rằng bên hiệu đính không hiểu nên dịch luôn thành "Thu thập trang bị 50".

Thống nhất quy tắc dịch có thể khiến file dịch của bạn thô hơn nhưng quá trình hiệu đính lại ngắn đi rất nhiều.

* (sáo trang: set đồ, bộ đồ...thường một bộ đồ hoàn chỉnh với tiền tố tên gọi giống nhau cùng hậu tố bộ vị. Ví dụ Thanh Liêm Khôi, Thanh Liêm Giáp, Thanh Liêm Ngoa...).

Với việc phân loại này, công việc của bạn giảm tải đi rất nhiều. Ví dụ khi xử lý nhóm đạo cụ và trang bị. Bạn chỉ cần bỏ công dịch và hiệu đính 2 file: Đạo cụ + Trang bị.Các file liên quan đều sử dụng lại nội dung từ 2 file này. Công việc của bạn khi đó chỉ copy + paste. Không còn lo lắng không đồng bộ.

2. Rút gọn ngay từ khâu dịch

Nhiều người dịch luôn muốn giữ lại cái hồn của cả câu nhất là thể loại cuồng kiếp hiệp, tiên hiệp hay ngôn tình thì thôi rồi. Điểm đặc biệt của tiếng Trung là mỗi chữ được viết gọn trong 1 ô vuông dù chữ đó nhiều nét hay ít nét và tiếng trung cũng không có khoảng trắng (Space). Thế nên với 1 file  chữ tiếng Trung dài 1 mét thì dịch sang tiếng Việt nó dài thành hơn 2 mét. Thế nên trong quá trình dịch sơ, rút gọn bất cứ chỗ nào có thể. Bảo đảm rằng văn bản dịch không dài hơn bản gốc.

Ví dụ:
既然天相星在火神手中,无论如何此战难免,我且上前一战,若能获得天相星,同时又助丞相平定南蛮,岂非美事?
Dịch thường
Thiên Tương Tinh đang ở trong tay của Hỏa Thần, dù thế nào trận chiến này cũng khó tránh, ta sẽ chiến đấu, nếu có thể nhận được Thiên Tương Tinh, lại giúp được thừa tướng bình định Nam Man, há chẳng phải chuyện tốt ư?
Dịch rút gọn
Diệt Hỏa Thần đoạt Thiên Tướng Tinh giúp Thừa Tướng sớm bình định Nam Man.

3. Sử dụng tool dịch

Phổ biến nhất là vietphrase, trích xuất các cột riêng như tên Item, tên NPC...và dùng vietphrase dịch thành Hán Việt. Sử dụng excel để viết hoa và soát lỗi. 2 Hàm thông dụng:

PROPER: Viết hoa chữ cái đầu tiên mỗi từ
UPPER: Viết hoa tất cả các chữ.


4. Xử lý dạng file

Các file dịch có thể là Excel, cũng có thể là XML, dù định dạng file như thế nào việc dịch thuật cũng không quá khó. Đôi lúc dịch trên file excel sẽ thích hơn nhưng cũng có lúc dịch từ xml tiện hơn. Dù file gì bạn hãy dành thời gian xem có thể trích xuất chỉ nội dung cần dịch sang một file riêng hay không. Tận dụng tool dịch thay vì dịch và gõ thủ công.

5. File dịch Manga hoặc Anime

Một vấn đề đâu đầu với người dịch khi xử lý các file dịch Manga hoặc Anime đó là tên gọi. Ở đây tôi lấy ví dụ One Piece, nếu như người dịch muốn dịch từ tiếng Trung sang Việt thì bạn phải dành cả giờ đồng hồ để tra cứu tên tiếng Anh của một nhân vật phụ, hero, trái cây ác quỷ (Ví dụ với trái ác quỷ; Tiếng Nhật viết khác tiếng Anh viết khác và tiếng Trung viết khác). Như vậy với các game đề tài Manga, anime hoặc đề tài phương tây nên xin từ đối tác file tên tiếng Anh (Xin luôn toàn bộ file tiếng Anh của họ càng tốt).

Sẽ còn nhiều vấn đề bạn gặp trong quá trình dịch và hiệu đính. Tuy nhiên thay vì làm việc theo cách thông thường, bạn hãy dành 30 phút suy nghĩ trước khi đối mặt với 1 file lớn vài vạn từ, tìm ra các ý tưởng để hoàn thiện nó. Kết hợp giữa Hiệu suất + hiệu quả.

___Tùng Jun___
[Kỹ xảo vận hành] Dịch Thuật + Hiệu Đính Game [Kỹ xảo vận hành] Dịch Thuật + Hiệu Đính Game Reviewed by Tùng Jun on 12:25 PM Rating: 5

6 comments:

Powered by Blogger.